21 thg 11, 2009

Số lượng và Chất lượng bài viết học thuật cho Chemvn thấp, do đâu?

Hôm rày ngồi xem lại các tin nhắn từ các mod và một số thành viên trong diễn đàn Chemvn, tôi thấy nổi cộm sự bức xúc của các bạn về chất lượng bài viết học thuật trong diễn đàn đang đi xuống.

Thực tế cho thấy, trong suốt hai tháng qua, so sánh với hai tháng trước đó nữa, số bài viết học thuật ( không dám nói tới có đạt chất lượng hay chưa) vẻn vẹn chỉ có 2. Hai bài viết cho hơn 20.000 thành viên xem. Một tỷ lệ thật đáng để suy ngẫm.

Hỏi rõ hơn các bạn đó về quan điểm đóng góp một bài viết học thuật có chất lượng, tôi thấy các bạn đó có một điểm chung về kỳ vọng ảo. Thể theo quy luật vật chất và tinh thần, không thể đòi hỏi bất kỳ một cái gì từ ai khác nếu như không có sự chuyển đổi tương đồng từ chủ thể. Kỳ vọng ảo ở đây chính là khi chính chúng ta chưa dám, chưa thể viết nên một bài viết học thuật thì không thể đòi hỏi người khác có thể làm gì được cho chúng ta.

Chưa dám vì tâm lý e ngại đụng chạm và tự ti. Khi hỏi ngược lại một bạn cũng là một tay khá rành rỏi chuyên ngành “tại sao không viết một bài tiểu luận cho cái chủ đề đang nóng này đi, vừa sức để viết mà?”. Tay này đang cao hứng bỗng trầm xuống, buông thõng một câu ”không có thời gian”. Tôi cười thầm. “ Xạo dóc tổ”. Chẳng qua hắn sợ “sếp” phải phép. Sợ cái này mà đăng rồi thì khó lòng mà hắn vượt qua đợt xét tuyển công chức, lương hướng, và suất đi học hàng năm vì dám vượt mặt sếp về chuyên môn! Còn một em sinh viên cười ngại rằng, “em có biết gì đâu, viết ra nhỡ mấy thầy thấy thì chê chết”. Với tay làm nhân viên phòng thí nghiệm ở một khoa nọ, hắn ngó tới lui một lát rồi nói thầm vào tai mình “mới vào đây làm để viết luận văn mà ti toe nhiều quá không tốt, không khéo mấy ổng đì mình chết, không khéo không được bảo vệ luận văn”. Àh, thì ra là vậy. Sếp, nhân viên, sinh viên, người hướng dẫn luận văn đều có mặt trong diễn đàn này cả , cho dù không xưng tên khai nghề cũng đã nhận biết được.

Chưa dám vì chính các thành viên tham gia còn chưa thực sự cởi mở (open mind). Khi tiếp xúc với họ, tôi thấy ngay vấn đề về sự cởi mở trong trao đổi thông tin. Họ ngại thông tin khi trao đổi sẽ làm lộ công trình nghiên cứu của mình. Cho nên, khi đặt vấn đề thì họ cũng chỉ hỏi mé mé, lòng vòng và kết quả thì các trao đổi chỉ cũng dừng tới mức chung chung thôi. Với hỏi đáp kiểu như vậy thì huống hồ gì một bài viết học thuật dạng tổng quan, tổng luận, thậm chí tiểu luận có thể được họ trình làng trên diễn đàn.

Chưa thể vì chính chúng ta, những người quản lý chuyên môn chưa có đi trước noi gương. Việc noi gương không phải chỉ là chuyện viết một bài viết học thuật mà còn thể hiện ở nhiều mặt khác. Có một anh bạn mod, khi bị “thách” viết về một đề tài, anh ấy đánh lảng sang chuyện “tôi thích thì tôi làm”. Thế thì coi sao được! Một bài viết học thuật sẽ là niềm cảm hứng khơi dậy cho những bài viết nối tiếp. Mod chưa cán đáng nổi việc khơi dậy và truyền cảm hứng từ chính bài viết của mình cho người khác một cách chuyên nghiệp thì làm sao mà có được các bài viết đóng góp nối tiếp đây? Việc đáp ứng vị trí của một mod lâu nay quên mất đi một điều kiện là đóng góp bài viết học thuật. Các điều kiện đáp ứng hiện hành chủ yếu chỉ là đăng nhập có mặt, chat, đọc profile thành viên, trả lời các câu hỏi, cung cấp link hay gửi file đính kèm qua mail mà quên mất đi vai trò tối quan trọng là điều hòa các mối quan tâm về chủ đề trong các box học thuật và truyền cảm hứng thông qua đóng góp bài viết đều đặn cho diễn đàn học thuật này.

Chưa thể vì chính chúng ta, những người quản lý thông tin về nguồn tài nguyên dữ liệu khoa học chưa biết cách sử dụng và cân bằng sự cho-nhận. Chính vì chỉ biết cho và cho không có tư duy về hậu quả của nó, các thành viên chỉ biết nhận và nhận mà không cần biết đáp trả. Mặt bằng văn hóa cộng đồng thấp đã là thế.Các sách lược phân loại thành viên theo trình độ học vấn và các quy định về hỏi tài liệu không được thực thi triệt để. Chỉ có các sách lược đó mới giúp khôi phục ý thức văn minh cộng đồng ở các thành viên. Khi có một thành viên nhận xét với tôi về hiện trạng nghèo nàn bài viết học thuật, tôi có hỏi thẳng một câu:”Đã có lần nào bạn xin tài liệu tham khảo trong diễn đàn chưa?”. Cô ấy đáp: “Có,chủ yếu là để viết tiểu luận”. Tôi hỏi tiếp: ”Bài viết tiểu luận đã hoàn tất, đã trình thảo luận, sao bạn không gửi lên diễn đàn trước là để hậu tạ mọi người giúp đỡ, sau là để cùng mọi người mở mang và tham gia tiếp?”. “Dạ có nghe ai bảo phải làm vậy đâu?”. Một người khác thì :” Người hướng dẫn đổi đề tài nên không có làm tiếp!”. Tôi lắc đầu với cái tay ấy, làm tiểu luận mà hỏi gần 30 tài liệu tham khảo khác nhau cho cùng một đề tài trong vòng non 2 tháng. Thế có tin được không? Còn đa phần thì rơi vào im lặng hoặc hứa suông cho qua chuyện. Nếu biết phân loại tốt thành viên qua trình độ cũng như qua lời giới thiệu, và cũng như nếu có sự cam kết chặt chẽ ở những thành viên nhận sự giúp đỡ về sự đóng góp bài viết, thì hôm nay không có tình trạng về số lượng và chất lượng bài viết thấp như thế.

Cuối cùng thì nếu làm đúng những chuẩn mực về phương pháp quản trị diễn đàn ngay từ đầu thì sẽ không có những bất cập và lộn xộn trong sự đóng góp thông tin bài viết cho diễn đàn như hiện nay. Đây là đều cần phải học hỏi, rút kinh nghiệm cho sang năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét